“Con người sinh ra không ai đã sẵn biết mình mạnh mẽ, chỉ khi trải qua những thất bại, những vấp ngã người ta mới học cách trở nên mạnh mẽ hơn. Đừng nhìn vào một người con gái mạnh mẽ và phán xét rằng họ lạnh lùng hay đáng sợ, bởi vì những người con gái ấy mới chính là những người dễ bị tổn thương, cũng như nếm trải qua tổn thương mới mạnh mẽ đứng dậy mà bước tiếp…”
Bằng tuổi của tôi, người mời đám cưới, người post ảnh khoe con mới sinh, đứa lại dập dìu người đưa kẻ đón trong khi, tôi vẫn luôn chỉ đi về một mình. Tôi đã quá quen thuộc với câu hỏi “Có người yêu chưa?”, “Bao giờ thì lấy chồng?”, “Đi làm lương cao không?”, “Sang chảnh như thế này chắc kén chọn lắm nhỉ?” từ bạn bè, người quen. Ai cũng mặc nhiên hỏi tôi những câu ấy như một lời hỏi thăm xã giao, quan tâm. Tôi cũng chỉ ậm ừ cười trừ và trả lời cho có rồi lảng sang vấn đề khác nhưng có những ngày “không đẹp trời”, tôi chỉ muốn nổi khùng với tất cả và bỏ đi một đâu đó.
Ai cũng nhìn vào nụ cười tôi mang đến trưng diện ở công ty, ở bên ngoài mỗi ngày và mặc định tôi là người phụ nữ mạnh mẽ nhất hành tinh này này. Chẳng ai trong số họ một lần dừng lại, nhìn tôi kĩ hơn để nhận ra tôi đang cố gồng mình sau lớp vỏ thành công, gan dạ ấy.
Tôi may mắn sinh ra trong một gia đình có điều kiện. Cha mẹ đã không để tôi thiếu thốnthứ gì cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Bởi vậy, trong mắt mọi người, tôi luôn là đứa có “số hưởng”, “sướng từ trong trứng sướng ra”. Tôi học trường chuyên và luôn dẫn đầu lớp những năm còn học phổ thông, bố mẹ rất kì vọng tôi sẽ đỗ đạt các trường đại học danh tiếng.
Cuối cùng, tôi trượt đại học.
Kể từ đó, tôi bắt đầu hiểu thế nào là cuộc sống không có màu hồng, cuộc sống của những áp lực và những lời trách móc, bóng gió. Tôi lựa chọn vào một trường đại học để mang danh có học đại học, trong cái thời đại bằng cấp là không thể thiếu. Tôi nhận ra cái giá của thất bại. Trong tôi xuất hiện một suy nghĩ tôi phải đứng bằng đôi chân của mình.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi cương quyết ở lại thành phố, chấp nhận ngược xuôi đi thuê nhà và ở trong những căn phòng nhỏ hẹp, nóng bức, bon chen nộp CV đi tìm việc, thay vì trở về căn phòng đẹp đẽ ở quê nhà với ý niệm “đợi bố mẹ nhờ quan hệ xin việc cho”.
Một, hai công việc đầu tiên với mức lương bèo bọt và khối lượng vất vả, tôi coi chúng như bước đệm để tìm kiếm “công việc mơ ước của tôi”. Bỏ qua cảm giác cô đơn của những ngày thèm dữ dội bữa cơm gia đình, nén lại những uất ức, bực dọc nơi công sở, tôi vẫn cương quyết tự lo cho bản thân, tự đứng trên đôi chân của mình. Những lúc nhớ nhà phát điên, những lúc stress dồn cục, tôi quyết chỉ cắn răng khóc một mình, tuyệt đối trở về nhà, những bữa cơm một mình, dù ở nhà hàng sang trọng với các món ăn lạ miệng, xa xỉ đến đâu cũng trở nên khó nuốt, trệu trạo.
Trong lòng tôi xuất hiện những khoảng hẫng trong lòng không thể nào lí giải. Nhiều lần, tôi tặc lưỡi tự động viên mình rằng đây là con đường tôi lựa chọn, tôi đã được chạy theo đam mê của mình. Tôi đã có tự do mà tôi mong muốn. Tôi toàn quyền quyết định cuộc sống của mình mà không phải chịu quá nhiều sự can thiệp từ mọi người. Nhưng… tại sao làm thế nào tôi vẫn không vui.
Trong mắt mọi người, tôi vẫn luôn là đứa sung sướng, có cuộc sống dễ dàng. Có người trước mặt khen ngợi, tâng bốc tôi rồi sau lưng lại mặc định những gì tôi đạt được là nhờ có ba mẹ chống lưng. Mọi nỗ lực của tôi chỉ đơn giản được quy kết vào 3 chữ “con nhà giàu”. Càng bị phủ nhận, càng cảm thấy tổn thương, tôi càng mạnh mẽ, càng dặn mình không được yếu mềm. Nhưng sau tất cả, tôi vẫn thèm những quan tâm, chiều chuộng, thèm những sự thấu hiểu và sẻ chia. Tôi cũng muốn có thể khóc khi áp lực và tìm một chỗ dựa khi vấp ngã, nhưng chẳng biết từ bao giờ, sự mạnh mẽ bao lâu tôi cố xây dựng đã trở thành thành luỹ khiến nước mắt tôi chẳng thể rơi và một lời nhờ vả cũng trở thành bất khả thi. Nhiều khi tôi tự hỏi, trở nên mạnh mẽ, rốt cuộc tôi được hay mất nhiều hơn?
Phương Thảo